Câu chuyện về doanh nhân Việt “qua mặt” ông chủ Tây

Hỏi “muốn” có nhiều thế thì liệu có quá sức, Trần Trọng Kiên bảo, sức người đâu có thể đo đếm được. Điều quan trọng là tầm nhìn của mình, là thấy thị trường còn sẵn sàng cho sự phát triển của Thiên Minh. “Tôi vẫn còn dư sức để chiến đấu nhiều năm nữa”, Trần Trọng Kiên cười vang nói.

Tôi đến tìm Trần Trọng Kiên vì một lý do duy nhất, anh là người nổi tiếng trong năm 2011 vì thương vụ mua lại hệ thống Victoria Hotels & Resorts. Nhưng gặp rồi mới biết, ở doanh nhân trẻ này, có rất nhiều điểm thú vị.

1. “Sợ!”. Đó là câu trả lời của Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Thiên Minh khi tôi hỏi về cảm giác của anh vào thời điểm Thiên Minh nhận chuyển giao hệ thống Victoria Hotels & Resorts sau thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) thuộc diện đình đám nhất trong năm 2011.

 

hbia 1 Câu chuyện về doanh nhân Việt qua mặt ông chủ Tây

Thực ra tôi chờ đợi một câu trả lời khác. Rằng, anh vô cùng tự hào bởi lần đầu tiên một công ty du lịch VN đã “dám” mua lại hệ thống khách sạn của một doanh nghiệp nước ngoài (Công ty EEM Victoria – Hồng Kông).

 

Tất nhiên, làm được điều này cũng một phần là nhờ Thiên Minh nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các quỹ đầu tư. Chỉ riêng Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) đã hào phóng đầu tư cho anh 12 triệu USD.

Nhưng đúng là, chuyện ấy chưa từng xảy ra ở VN. Bản thân tôi đôi lúc cũng tự hào vì điều đó. Vậy mà Trần Trọng Kiên lại sợ.

Anh bảo, sợ không phải vì mình không có kinh nghiệm M&A, mà thực sự chưa bao giờ tham gia một thương vụ lớn như vậy. Lúc ấy, tài sản của Thiên Minh chỉ độ 500 tỷ đồng, vậy mà trị giá của thương vụ lên tới gần nghìn tỷ đồng (45 triệu USD, cộng với phí giao dịch).

Thêm nữa, thương vụ ấy liên quan đến quá nhiều người. 1.250 người, anh có thêm từng ấy nhân viên sau ngày 14/2/2011, thời điểm Victoria Hotels & Resorts hoàn toàn thuộc về Thiên Minh.

Lo là phải, bởi dù đã nghiên cứu kỹ từ cuối năm 2009, khi một dịp rất tình cờ đang công du ở London, thì một thành viên Hội đồng quản trị Thiên Minh gọi điện bảo, Victoria muốn bán đó, có mua không, song đâu thể biết hết nội tại thực sự của Victoria thế nào.

Liệu ban điều hành khách sạn hiện thời có sẵn sàng hợp tác? Chẳng biết M&A xong, thị trường có tốt không, hoạt động của hệ thống khách sạn đó sẽ ra sao? Liệu có thể hòa nhịp đập của Thiên Minh và Victoria?…

Nhưng chỉ sau 3-4 tháng, cảm giác ấy không còn. “Trả lời được tất cả các câu hỏi trên, tôi biết mình có thể lãnh đạo được hệ thống này”, Trần Trọng Kiên tự tin thế, và kể rằng ngay sau khi thương vụ hoàn tất, anh đã bay về TP.HCM và đưa ra một thông điệp rất cụ thể rằng, các hợp đồng, chế độ, chính sách nhân sự của Victoria sẽ được giữ nguyên. Tất cả các vị trí quản lý khách sạn vẫn không thay đổi.

  • Vấn đề Tìm Việc hiện nay khá khó khăn, nhưng bạn đừng quá lo lắng,  Mang Viec Lam sẽ hỗ trợ bạn những thông tin tuyển dụng mới nhất!

“Nếu mình thật sự chuyên nghiệp, có tầm nhìn xa, có cam kết cao, và chẳng bao giờ muốn xóa bỏ một Victoria đã có, thì họ sẽ đồng thuận và ủng hộ”, Trần Trọng Kiên nói thế.

Và quả đúng như vậy, sau gần một năm thuộc về Thiên Minh, hệ thống 6 khách sạn với 600 phòng của Victoria, ở Sapa, Châu Đốc, Phan Thiết, Cần Thơ, Hội An (Việt Nam) và Siêm Riệp (Campuchia) đã hoạt động rất tốt. Năm 2011, hệ thống này đóng góp khoảng 40% doanh thu cho Thiên Minh, tức là khoảng 400 tỷ đồng trong hệ thống 1.000 tỷ đồng.

Một thương vụ hời? Trần Trọng Kiên chỉ cười, rất sảng khoái, khi nghe câu hỏi đó. Anh bảo, hời hay không chỉ thị trường mới trả lời được.

Còn hiện tại, anh hài lòng với thương vụ ấy, khi một Thiên Minh trẻ trung, thuần Việt đã và đang gắn bó tốt với một Victoria hiện đại hơn và rất Pháp. Trên cái nền tảng ấy, anh hi vọng Victoria sẽ phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai và là một bộ phận không thể tách rời của Thiên Minh.

2. Thực ra, thương hiệu Thiên Minh không được nhiều người Việt biết tới. Nhưng Buffalo Tours thì chắc chắn là có. Đó chính là cái gốc đầu tiên của Thiên Minh ngày nay, được thành lập bởi chính Trần Trọng Kiên vào năm 1996, khi anh vừa tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội.

 

h1 Câu chuyện về doanh nhân Việt qua mặt ông chủ Tây
Ông Trần Trọng Kiên và một đối tác nước ngoài trong một buổi công bố hợp tác liên doanh (ảnh DĐDN)

Ban đầu, chỉ là ý định rong chơi vài ba năm, rồi lại quay trở về với nghề y, vậy mà công việc cứ cuốn anh đi từ lúc nào không hay. “Cũng tại vì công ty lớn nhanh quá” và “cũng tại được bạn bè ủng hộ rất nhiều”.

 

Làm du lịch chẳng cần có vốn, nếu mình biết tận dụng thị trường ngách. Suy nghĩ thế nên chỉ với 2.000 USD ban đầu, Trần Trọng Kiên đã lựa chọn một thị trường ngách, mà vào thời điểm ấy, ngay cả trên thế giới cũng chưa hẳn đã phát triển. Ấy là du lịch mạo hiểm và khám phá.

Không đưa khách đến những địa điểm lừng danh ở đất Việt, Buffalo Tours chọn Mai Châu, với những đêm – ngày đưa du khách đến từng bản làng theo loại hình du lịch trekking (đi bộ dã ngoại).

Rồi lại chọn Hạ Long, với du lịch trên biển bằng thuyền gỗ kayak. “Khách Tây” mê như điếu đổ”. Thế là Buffalo Tours nổi như cồn và … lớn nhanh như thổi.

“Chỉ độ 3-4 năm, tôi biết mình chẳng thể quay lại với nghề y. Đôi lúc cũng chạnh lòng, khi thấy giờ đây, bạn bè nhiều người đã trở thành những chuyên gia đầu ngành, người biết mổ tim qua Xquang, qua siêu âm; kẻ biết thông mạch vành, mà khi xưa khi còn là sinh viên, tôi cũng từng ao ước mình sẽ làm được vậy. Nhưng để nói lời hối tiếc, thì có lẽ là không… “.

Mỗi người đều có quyền lựa chọn con đường đi riêng của mình, quan trọng là đi đúng hướng và thành công. Nếu vậy, đúng là chẳng có gì phải “ngoảnh lại”, khi mà giờ đây, Trần Trọng Kiên có trong tay rất nhiều thứ, mà quan trọng hơn hết, là lo được cho 2.000 nhân viên có thu nhập rất tốt.

Này nhé, ngoài một hệ thống Victoria vừa kể, một có một nền tảng quan trọng – Buffalo Tours một năm đưa đón 50.000 lượt khách, doanh thu chỉ trong năm 2011 đã là 600 tỷ đồng. Hồi đầu, tour đi Mai Châu, hay Hạ Long, có khi chỉ 1 ngày, thậm chí chỉ 1 tuần/chuyến, nay một ngày có tới cả năm bảy chục tour.

Buffalo Tours, Trần Trọng Kiên tự hào lắm để khoe rằng, là thương hiệu duy nhất của Việt Nam có văn phòng tại Australia, Anh, Mỹ, Thái Lan… Thương hiệu ấy được du khách gần xa, cả trong và ngoài nước biết đến.

Hệ thống các khách sạn của Thiên Minh cũng làm ăn rất khấm khá. Ngoài ra, Thiên Minh của Trần Trọng Kiên còn có Mai Chau Lodge, Intrepid Vietnam, Jetwing Indochina, ivivu… trong tay, mà không nhiều người biết được điều này.

Và tổng tài sản, chỉ từ 2.000 USD ban đầu, giờ đã lên tới 75 triệu USD. Tất nhiên, không phải tất cả của riêng Trần Trọng Kiên, bởi vì từ năm 2008, anh đã quyết định cổ phần công ty của mình, sử dụng vốn đầu tư của một số quỹ đầu tư nước ngoài, để có thể tiến nhanh, tiến mạnh hơn ở thị trường trong nước và quốc tế.

Ấy là một bước ngoặt quan trọng của Thiên Minh. Những bước ngoặt khác, đó là vào năm 2003, khi ngoài làm du lịch, Thiên Minh đắt đầu chuyển sang kinh doanh khách sạn. Là 2005, bắt đầu hợp tác với quốc tế. Và tất nhiên, một bước ngoặt vô cùng quan trọng, đó là năm 2011 – khi Thiên Minh mua lại chuỗi khách sạn Victoria.

 

 Và sau mỗi bước ngoặt, Thiên Minh lại không ngừng trưởng thành? Không, trong mỗi bước tiến ấy, Thiên Minh cũng có những bước đi nhỏ chuệch choạc. Trần Trọng Kiên kể thế.

Năm 1997 – 1998 chẳng hạn, Thiên Minh cũng tính chuyện đầu tư cho khách hưởng trải nghiệm thú vị là được nhảy dù. Nhưng hơn 1 năm chuẩn bị, bao công sức, tiền của bỏ ra, mà cuối cùng cũng phải thừa nhận, dịch vụ ấy chẳng thể thương mại hóa ở VN.

Kế hoạch mở tour du lịch bằng khinh khí cầu cũng thế, rất nhanh chóng thất bại. Rồi ivivu, mở ra từ năm 2006, nhưng cuối cùng cũng là sai thời điểm. Chỉ đến bây giờ, trang web đặt khách sạn trực tuyến này mới có cơ phát triển mạnh mẽ.

“Thất bại là chuyện bình thường. Miễn là có đủ thông minh để biết mình đã sai”, Trần Trọng Kiên nói và chẳng ngần ngại thổ lộ, trong tim anh còn ấp ủ nhiều dự định lắm. Bởi bây giờ dừng lại có nghĩa là thất bại.

Anh muốn thương hiệu Thiên Minh được mọi người biết đến nhiều hơn. Muốn mở thêm nhiều khách sạn, kiểu “small luxury” (khách sạn sang trọng có diện tích phòng nhỏ), khách sạn boutique 4 sao và khách sạn tiện ích 3 sao.

Muốn mở rộng các điểm đến chiến lược, muốn du khách của mình đến được nhiều hơn nữa với TP.HCM, Hà Nội, Siêm Riệp hay Hội An, Luang Phabang (Lào) và cả điểm mới hấp dẫn Sapa, Đồng bằng Sông Cửu Long…

Và muốn Victoria Hotels & Resorts sẽ trở thành một thương hiệu 4 sao, gắn kết văn hóa Việt và Pháp, và là một thương hiệu hàng đầu của người VN.

3. Hỏi “muốn” có nhiều thế thì liệu có quá sức, Trần Trọng Kiên bảo, sức người đâu có thể đo đếm được. Điều quan trọng là tầm nhìn của mình, là thấy thị trường còn sẵn sàng cho sự phát triển của Thiên Minh. “Tôi vẫn còn dư sức để chiến đấu nhiều năm nữa”, Trần Trọng Kiên cười vang nói.

Cũng phải, năm 2012, Trần Trọng Kiên mới tròn 39 tuổi, đủ độ chín để trưởng thành. Bởi thế, đâu đã dừng lại. Thêm nữa, giờ bên cạnh anh còn rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp.

Lúc khởi đầu, một mình anh lo tiếp thị, đón khách, kiêm cả chân trực điện thoại. Nhưng khi công ty dần lớn lên, quy mô càng lớn thì anh càng được bứt ra những “sự vụ” hàng ngày.

Giờ, điều quan trọng với anh là lo vạch chiến lược cho tương lai, lo nhân sự và văn hóa doanh nghiệp. Đó là nền tảng quan trọng để Thiên Minh tiếp tục thành công.

Lại hỏi rằng, nếu được nói về mình, một câu thôi, anh sẽ nói thế nào, Trần Trọng Kiên chỉ cười hiền lành: “Tôi là một người chăm chỉ, cần cù, có tính kỷ luật tốt và có khả năng đoàn kết tốt mọi người trong một tập thể”. Với anh, đó là điều quan trọng nhất để trở thành một doanh nhân thành công.

Cần thêm thông tin về các cũng như nhân sự, hãy thử tham khảo các mục dưới đây:

Truy cập để xem nhiều hơn tại MangViecLam.com – Kết Nối Sự Nghiệp, Tuyển Dụng, Kiếm Tìm Việc Nhanh 24H
Hotline: (028) 2222 2236 / (08) 2266 3636 / (08) 2268 3636

Cùng Danh Mục

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>